Suốt 26 năm qua, người dân ở bán đảo Thanh Đa – Bình Quới (phường 27 và 28, quận Bình Thạnh, TP.HCM) phải sống trong cảnh tạm bợ. Họ chờ đợi được chuyển đến nơi khác sinh sống vì nơi đây nằm trong diện quy hoạch. Tuy nhiên, cuộc sống của người dân vẫn tiếp tục bị đảo lộn do “ở cũng không xong, đi cũng không được” vì TP.HCM chưa “chốt” được phương án lựa chọn nhà đầu tư cho toàn khu này.
Hiện tại, hơn 3.000 hộ dân với 45.000 nhân khẩu ở bán đảo Bình Quới – Thanh Đa vẫn đang sống với nghề nông, buôn bán nhỏ và… chờ đợi. Hơn 26 năm quy hoạch “treo”, bán đảo Bình Quới – Thanh Đa đã trở về vạch xuất phát ban đầu, tức là đang chờ TP.HCM xây dựng phương án tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư.
Được biết, bán đảo Bình Quới – Thanh Đa được vây quanh bởi sông Sài Gòn và kênh đào Thanh Đa. Một phần diện tích của phường 27 và toàn bộ diện tích phường 28 nằm trong quy hoạch dự án phát triển đô thị từ năm 1992. Qua nhiều lần thay đổi dự án, thay đổi chủ đầu tư, đến nay bán đảo Thanh Đa vẫn nằm trong quy hoạch “treo”.
Sống giữa lòng thành phố, người dân nơi đây vẫn làm nghề trồng lúa, nuôi vịt, nuôi bò… như một vùng nông thôn. Tuy nhiên, khác với các khu vực nông thôn, người dân có thể làm lại căn nhà, người dân Thanh Đa chẳng thể làm gì trên mảnh đất của mình. Suốt quãng thời gian dài, họ chỉ biết đến những dự định.
Đến đây, khung cảnh cuộc sống của người dân chẳng khác mấy một vùng quê với ruộng lúa, bờ ao, những con đường nhỏ dưới những hàng dừa. Thế nhưng, phía sau không gian tưởng như “yên bình” đó là cuộc sống khốn khổ của hàng ngàn hộ dân đã kéo dài hơn 26 năm vì dính quy hoạch. Nhà cửa ở đây đa phần lụp xụp, nhiều căn chỉ làm tạm bợ bằng lá dừa, tấm tôn. Theo người dân ở đây, mặc dù nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng họ không thể xây mới, muốn sửa chữa, cơi nới cũng phải xin phép, vướng rất nhiều thủ tục.
Thực vậy, khi qua khỏi cầu Kinh Thanh Đa là con đường Bình Quới chạy dài khoảng 4km dẫn vào những khu dân cư vẫn còn khá đơn sơ, cây cỏ mọc cao hơn đầu người. Tại một số khu vực sâu dọc bờ sông, chỉ có một vài hộ dân sinh sống. Đa số đất tại khu vực này là đất lúa, ao hồ, do vậy người dân ở đây sinh sống bằng nghề kinh doanh cho thuê đất để mở những khu vui chơi, câu cá, nghỉ mát hoặc nuôi tôm, cá…
Gia đình bà Nguyễn Thị Mai (phường 28, Q.Bình Thạnh) đã sống 4 đời ở đây, cho biết, cuộc sống của nhiều người dân sống xung quanh rất đỗi nhọc nhằn, cơ cực vì trồng lúa cũng thất thu, đất không được kinh doanh buôn bán vì dính quy hoạch.
“Muốn xây thêm nhà trọ để trang trải qua ngày nhưng chỉ mới xây lên chút thôi đã bị chính quyền đến yêu cầu đập bỏ. Quy hoạch treo riết dân mệt lắm. Chúng tôi sống tại khu vực gần trung tâm mà hoàn cảnh còn thê thảm hơn là vùng quê”, bà Mai bức xúc.
Ông Nam, một người dân đường Bình Quới, phường 28, chia sẻ, dự án “treo” quá lâu, nên người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhà cũ xuống cấp mà nhà mới thì không được xây. Khu vực Bình Quới – Thanh Đa đất trũng, rất hay bị ngập nước khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao làm các công trình xây dựng rất mau xuống cấp. Nếu triển khai dự án thì người dân ở đây cũng mong muốn được đền bù nhanh để còn ổn định cuộc sống.
Ông Trần Lâm Hà, ngụ tại một con hẽm, cho biết: “Từ năm 1994 đến nay, toàn bộ bán đảo Bình Quới – Thanh Đa đã thuộc diện quy hoạch phát triển khu đô thị, thành phố cũng đã rất nhiều lần công bố điều chỉnh quy hoạch. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện đầu tư gì. Chúng tôi chỉ sống trong những ngôi nhà tạm bợ, ngay cả việc xin phép sửa sang chút đỉnh để sống thoải mái còn không được phép thì làm sao bán đất được cho ai”.
Ngụ tại căn nhà 488/65/20 đường Bình Quới, ông Huỳnh Văn Hiện, cho biết: “Nhà dột nát lắm. Đi thì chưa được đi, mà ở thì không được sửa. Chịu hết nổi rồi”. Không riêng gia đình ông Hiện, nhiều hộ dân ở đây sống trong cảnh quy hoạch “treo” nên bán đất không ai mua, xây cất nhà cũng chẳng được.
Nhiều nhà có con cái ở riêng, muốn chia đất cho con để làm vốn nhưng nhà, đất đều nằm trong diện quy hoạch giải tỏa, đành chịu. Bán tạp hóa bên lề đường, ông Lê Văn Năm, ngụ số nhà 1096 cho biết: “Thỉnh thoảng có đoàn về đây ngắm đường, đo đường… Thấy thì mừng, cũng nói với mọi người trong xóm cùng mừng. Nhưng rồi mãi cũng chẳng thấy chuyển biến”.
Theo lời chị Nguyễn Thị Thanh, bán rau chợ Bình Quới: “Hai năm trước, chúng tôi đi họp thấy thông báo có dự án Silicon Valley Bình Quới do Tập đoàn Bitexco đầu tư. Lúc đó, ai cũng nghĩ vậy là sắp chuyển đi. Tôi đã tìm lên Lái Thiêu, Bình Dương tìm đất, tìm nhà, dự định được đền bù thì chuyển về trển. Vậy mà giờ đây nhà cửa xuống cấp, vẫn sống trong cảnh mưa ngập, triều cường…”.
Nguồn: https://marishka-moi.com/
Xem thêm bài viết: https://marishka-moi.com/category/kinh-doanh
mot vung dat qua dep .